Trồng phúc bồn tử như thế nào? Để có thể trồng được tươi tốt loại cây này, tốt nhất các bạn nên tham khảo kỹ về cách trồng phúc bồn tử để đạt năng suất. Cùng bài viết bỏ túi kinh nghiệm trồng và chăm sóc phúc bồn tử hiệu quả ngay và luôn nhé!
Kỹ thuật trồng phúc bồn tử cần biết
Phúc bồn tử hay còn gọi là cây mâm xôi, cây thuộc nhóm cây thân gỗ lâu năm. Quả phúc bồn tử là loại trái cây giàu vitamin và khoáng chất. Bạn có thể trồng loại cây này tại nhà.
Phúc bồn tử trồng chậu khá dễ chăm sóc và sai quả khi ứng dụng đúng kỹ thuật và hướng dẫn thì thu hoạch, quả nhất định sẽ thơm ngon và chất lượng được đảm bảo.
Điều kiện thổ nhưỡng
- Cây Phúc bồn tử thích hợp phát triển trên loại đất thoáng, khô ráo, tránh để cây bị úng nước và đạt pH từ 5,8 – 6,8.
- Khoảng nhiệt độ tối ưu để cây phát triển tốt là từ 18 đến 30 độ C. Cây phát triển tốt trong điều kiện có ánh sáng mặt trời đầy đủ ít nhất là từ 6 – 8 giờ.
Chuẩn bị đất và cây giống Phúc bồn tử
Đất trồng: với điều kiện là ít nhất trong vòng 1 năm không canh tác hoặc tránh xa với các loại cây khác như: khoai tây, cà chua, cà tím. Vì cây Phúc bồn tử dễ bị nhiễm một số loại nấm, bệnh từ những loại cây này. Làm đất sạch cỏ dại.
Cây giống: Có 3 cách trồng phổ biến.
- Trồng bằng hạt (chủ yếu là hạt giống cây nhập từ nước ngoài)
- Lấy ngó từ cây mẹ
- Cây nuôi cấy mô
Đối với cây giống lấy từ ngó cây mẹ hoặc chọn nuôi cấy mô, bạn nên chọn cây con có chiều cao từ 10 – 15 cm; có 5 – 7 lá. Cây sinh trưởng phát triển tốt và không sâu bệnh.
Bạn có thể mua cây ở các vựa kiểng để trồng và tiện chăm sóc. Với cách này bạn sẽ có thể giảm được thời gian chăm sóc hơn.
Phúc bồn tử trồng chậu
Cây mâm xôi, phúc bồn tử có khả năng phát triển thân, cành rất mạnh vậy nên bạn chọn chậu lớn để trồng. Trước khi trồng cây vào chậu nên trộn chế phẩm Trichoderma với đất trồng để giúp hạn chế và phòng trừ các bệnh do nấm gây ra.
Nếu bạn chọn loại đất trồng đã có bổ sung phân bón thì không cần phải bón thêm cho cây nữa. Nếu sử dụng đất vườn, đất tự trộn nên bổ sung thêm hữu cơ cho cây theo tỉ lệ 10 – 15% cho 1 chậu, đồng thời có thể chọn thêm phân bò, trùn quế hoặc phân gà…
Cách chăm sóc phúc bồn tử – trồng chậu
Thời gian đầu mới trồng cây phát triển rất nhanh, cây có thể cao hơn 2m, đặc biệt là cành nhánh phát triển nhiều vì vậy mà bạn cần làm cây chống hình chữ V hoặc lập giàn đỡ xung quanh để cho cây khỏi đổ ngã.
Tưới nước phúc bồn tử
Phúc bồn tử cần lượng nước vừa đủ, chính xác nhất là bạn nên kiểm tra độ ẩm đất trong bầu để có thể điều chỉnh lượng nước cho cây. Đặc biệt, bạn không nên tưới nước quá nhiều khi vào mùa mưa, vì dễ làm úng và chết.
Cắt tỉa cành
Phúc bồn tử thuộc dạng cây thân bụi vì vậy bạn cần tỉa bớt các cành tăm, lá vàng và các cành khô để tạo độ thông thoáng cho cây, tỉa cành cũng hạn chế sâu bệnh sinh sôi phát triển.
Phúc bồn tử thường sẽ cho quả vào mùa xuân trên cành ở năm thứ 2, hoặc vào mùa thu trên cành vào năm đầu tiên. Các cành năm thứ nhất thì cho quả ở cuối cành; Các cành năm thứ hai lại cho quả cho quả dọc theo toàn bộ cành. Bạn có thể dùng cách này để phân biệt 2 loại cành này.
Vào mùa Xuân, bạn hãy tỉa các cành năm thứ nhất còn từ 1 – 1,5 m. Các cành năm thứ hai sẽ cắt bỏ bớt sau khi chúng ra quả.
Phân bón cho phúc bồn tử khi trồng chậu
Nếu không chuyên hoặc không có nhiều thời gian thì bạn nên sử dụng các sản phẩm đất trồng có bổ sung sẵn dinh dưỡng để giúp bạn tiện lợi hơn khi trồng cây.
Đối với phúc bồn tử có thể bón tầm 7 – 14 ngày/ 1 lần. Lượng phân bón sẽ phụ thuộc vào loại phân bón mà bạn đang sử dụng. Vào mùa đông, bạn không cần phải bón phân cho cây, đợi sang mùa xuân, sau khi cắt tỉa cành thì hãy bón thêm phân để cây đâm chồi mới.
Thu hoạch
Từ lúc đậu cho đến lúc quả chín và thu hoạch được sẽ mất khoảng 20 ngày.
Khi thấy quả chuyển sang màu đỏ đậm, sờ vào thấy mềm thì đã đến lúc bạn thu hoạch chúng. Nên thu hoạch vào buổi sáng là tốt nhất, không ngắt mà bạn nên dùng kéo để cắt rời những quả chín, tránh làm ảnh hưởng các quả còn lại.
Các loại sâu bệnh hại thường gặp khi trồng phúc bồn tử
Khi trồng cây bạn sẽ gặp một số loại bệnh thường gặp trên cây Phúc bồn tử như là các bệnh: thối rễ, bệnh gỉ sắt, bệnh bạc lá, thối trái, thối gốc hay là các bệnh phấn trắng, mốc quả. Đồng thời có thể gặp các loại sâu hại như là: nhện, tuyến trùng, rệp, sâu,…
Trồng phúc bồn tử trong chậu sẽ dễ chăm sóc và phù hợp với những bạn không có vườn lớn, có không gian sống trung bình, nhỏ. Còn gì tuyệt vời hơn khi được chăm sóc và chờ đợi thu hoạch để thưởng thức những quả phúc bồn tử mọng nước, thơm ngon chua ngọt do tự tay mình trồng. Với cách trông phúc bồn từ mà bài viết đã cung cấp, chúc bạn trồng thành công và thưởng thức thành quả tuyệt vời của mình nhé!